Tròn mắt trước những phong tục độc đáo ngày Tết Nguyên Đán của các dân tộc Việt Nam

Tục vỗ mông tỏ tình trong hội xuân

Vỗ mông tỏ tình hay ăn trộm đồ vật của hàng xóm là hai trong số những phong tục độc đáo ngày Tết Nguyên Đán, đón một năm mới may mắn của các dân tộc Việt Nam

Vỗ mông tỏ tình – Phong tục của người Mông

Tục vỗ mông tỏ tình là một tục lệ không thể thiếu ở hội xuân Sải Sán hay còn được gọi là Gầu Tào. Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân tộc Mông. Lễ hội này thường được diễn ra vào dịp Tết âm lịch.

Trước đây, người Mông thường ăn tết sớm hơn 1 tháng so với người Kinh, tuy nhiên hiện nay tết của người Mông đã được tổ chức cùng lúc với Tết cổ truyền dân tộc. Hội Sải Sán được tổ chức với mục đích cầu phúc và cầu duyên. Hội này đã được lưu giữ nguyên vẹn từ xa xưa đến tận ngày nay.

Tròn mắt trước những phong tục độc đáo ngày Tết Nguyên Đán của các dân tộc Việt Nam
Tròn mắt trước những phong tục độc đáo ngày Tết Nguyên Đán của các dân tộc Việt Nam

Theo tục vỗ mông tỏ tình thì người con trai H’Mông nếu phải lòng một cô gái nào đó sẽ lập tức vỗ vào mông cô gái đó trên đường du xuân. Nếu như cũng phải lòng chàng trai, cô gái sẽ vỗ mông chàng trai để đáp trả. Chỉ cần 2 bên vỗ qua lại 9 lần tức là đã nên duyên và kết thành cặp đôi.

Tục vỗ mông tỏ tình trong hội xuân
Tục vỗ mông tỏ tình trong hội xuân

Ngoài vỗ mông tỏ tình thì hội Sải Sán còn có rất nhiều hoạt động thú vị như ném pao, thổi khèn hay hát giao duyên. Nếu muốn tìm hiểu về phong tục độc đáo ngày Tết Nguyên Đán này của người Mông bạn có thể đến Hà Giang trong dịp Tết âm lịch sắp tới.

2. Phong tục ăn trộm cầu may của người Dao Đỏ

Nếu như những dân tộc khác ở Việt Nam xem việc mất trộm mất cắp dịp đầu năm sẽ dẫn đến xui cả năm thì người Dao Đỏ lại có tục lệ ăn trộm cầu may để chào đón năm mới. Vào mỗi đêm Rằm tháng Giêng, người Dao Đỏ sẽ tập trung lại thành từng nhóm để rủ nhau đi ăn trộm. Tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai, cán bộ hay người dân đều tham gia vào phong tục đặc biệt này.

Ngày tết của người Dao Đỏ.
Ngày tết của người Dao Đỏ.

Những thứ được yêu thích nhất mà người Dao Đỏ chọn để trộm là trứng, cọng hành, búi tỏi, thịt trâu gác bếp, rượu hay một mớ rau rừng. Theo phong tục đón Tết Nguyên Đán của người Dao Đỏ, ai trộm được càng nhiều thì năm đó sẽ càng gặp may mắn. Tuy nhiên nếu như bị gia chủ phát hiện thì ngay lập tức sẽ bị phạt uống một bát rượu. Sau khi tàn cuộc, người trộm sẽ mang đồ trộm được về trả cho gia chủ và chờ được nhận thưởng.

Món được chọn để trộm trong phong tục người Dao Đỏ
Món được chọn để trộm trong phong tục người Dao Đỏ
Tục ăn trộm cầu may của người Dao Đỏ quả thực là một phong tục có một không hai ngày Tết Nguyên Đán. Đây cũng được xem là một trong những nghi thức phải trải qua để chào đón một năm mới an lành và thịnh vượng.

3. Tục “bắt chồng” ở Tây Nguyên

Từ ngày mùng 1 Tết âm lịch tới tháng 3 hàng năm là thời điểm rộn ràng mùa cưới ở Tây Nguyên. Mùa cưới này bắt nguồn từ tục “bắt chồng” của những cô gái dân tộc Chu Ru. Nếu như những dân tộc khác quan niệm rằng nhà trai phải là nhà sang hỏi cưới trước thì đối với người Chu Ru lại hoàn toàn ngược lại. Nhà gái sẽ chủ động sang để hỏi cưới chàng trai mà cô gái đó yêu mến.

Tục “bắt chồng” của người dân tộc Chu Ru
Tục “bắt chồng” của người dân tộc Chu Ru

Theo tục lệ của buôn làng thì khi đã thích một chàng trai nào đó, cô gái sẽ bày tỏ nguyện vọng với gia đình. Khi màn đêm buông xuống, cô gái cùng 10 người thân trong gia đình sẽ mang theo lễ vật đến nhà chàng trai. Lễ vật sẽ tùy vào gia cảnh của nhà gái. Khi tới nhà trai, cậu ruột của cô gái sẽ đại diện đoàn thưa gửi tâm nguyện với bên nhà trai. Nếu cha mẹ chàng trai đồng ý thì sẽ gọi con trai đến và hỏi ý kiến trước khi gả cho nhà gái.

Hai người sẽ thành vợ chồng khi trùm chung một chiếc khăn.
Hai người sẽ thành vợ chồng khi trùm chung một chiếc khăn.
Khi đã nhận được sự đồng thuận của cả 2 bên, cô gái sẽ tặng khăn mình tự đan cho chàng trai và hai người chính thức thành vợ chồng. Lễ kết hôn sẽ diễn ra ngay sau đó, trong khi diễn ra lễ, chàng trai và cô gái sẽ trùm chung một chiếc khăn. Cuối cùng, khoảng từ 1 – 2h sáng, cặp vợ chồng sẽ được đưa về nhà gái và nên duyên từ đây.

Trong trường hợp chàng trai không đồng ý cô gái từ lần đầu tiên hỏi cưới thì cô gái sẽ quay lại nhà chàng trai 7 ngày sau đó đến khi nào lấy được mới thôi. Có thể nói rằng tục “bắt chồng” quả thực là một phong tục vô cùng độc đáo của người dân tộc Chu Ru ở Tây Nguyên.

4. Đánh thức gia súc cùng đón Tết – phong tục của người Lô Lô

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì gia súc là một phần quan trọng trong kinh tế của gia đình. Do đó, phong tục đánh thức gia súc cùng đón Tết là một tục lệ đón năm mới không thể bỏ qua của người dân tộc Lô Lô.

Người Lô Lô đánh thức gia súc cùng đón năm mới
Người Lô Lô đánh thức gia súc cùng đón năm mới

Khi năm mới đến, vào thời khắc tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản thì người Lô Lô sẽ đánh thức toàn bộ gia súc trong nhà để đón năm mới cùng cả gia đình. Ngoài ra, họ cũng sẽ làm một lễ cúng tại nhà để cầu chúc cho năm mới. Đàn ông sẽ được cúng bằng gà trống còn phụ nữ sẽ được cúng bằng gà mái.

Lễ cúng đầu năm của người Lô Lô.
Lễ cúng đầu năm của người Lô Lô.
Một điều đặc biệt khác trong dịp Tết của người Lô Lô là các nông cụ sẽ được sơn màu đỏ hoặc vàng. Mọi người sẽ không được đụng vào chúng trong suốt 3 ngày Tết để minh chứng rằng đối với người Lô Lô, dịp Tết là một dịp để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một năm mới làm việc chăm chỉ.

5. Người Pà Thẻn thờ bát nước lã

Pà Thẻn là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi của Hà Giang. Người Pà Thẻn có một phong tục đón Tết Nguyên Đán độc đáo đó chính là thờ bát nước lã. Bát nước lã sẽ đặt trên bàn thờ trong mỗi gia đình. Đặc điểm của bát nước này là không bao giờ được phép để nước trong bát cạn đi.

Bát nước lã linh thiêng trên bàn thờ của người Pà Thẻn
Bát nước lã linh thiêng trên bàn thờ của người Pà Thẻn
Vào đêm giao thừa, người Pà Thẻn sẽ đóng cửa, cài then và bịt toàn bộ các lỗ thông khí ở trong nhà. Lúc này chủ nhân ngôi nhà sẽ kín đáo hạ bát nước xuống và lau chùi cẩn thận. sau đó cho thêm nước mới để chào đón một mùa xuân sắp gõ cửa. Sở dĩ công việc này được thực hiện kín đáo là vì theo người Pà Thẻn nếu ai đó ngoài nhà nhìn thấy bát nước linh thiêng đang được lau chùi hay thay nước mới thì gia đình đó sẽ gặp nhiều xui xẻo trong năm mới.

Tết cổ truyền là một dịp rất quan trọng đối với tất cả mọi người dân Việt Nam. Ngoài những phong tục thường thấy trong năm mới thì còn có những phong tục có một không hai ngày Tết Nguyên Đán của các dân tộc Việt. Những phong tục này không chỉ là truyền thống từ xa xưa mà còn là niềm tin, tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc.

Phương Thảo (tổng hợp)

Các bạn cùng theo dõi Hành Trình Việt Nam để cùng Zupy thưởng thức cảnh đẹp khắp quê hương mình nhé..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *